Sổ Mẹ và Bé

Tải ứng dụng Sổ Mẹ và Bé

Tải ứng dụng Sổ Mẹ và Bé

Đăng nhập sổ của bạn

Những thuốc kháng sinh không dùng cho trẻ

Kháng sinh là dược chất đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị các bệnh do vi khuẩn. Nhưng thuốc cũng gây ra các tác dụng phụ. Đặc biệt là một số kháng sinh còn gây ra tác dụng phụ rất nghiêm trọng cho trẻ.

Một số kháng sinh ảnh hưởng đến xương, sụn, thính giác, gan, thận… từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Chính vì vậy, việc sử dụng kháng sinh cho trẻ phải cực kỳ thận trọng. Hơn nữa do các chức năng của cơ quan trong cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, quá trình hấp thu, chuyển hóa và đào thải thuốc cũng như ảnh hưởng của thuốc lên cơ thể của trẻ khác với người lớn, nếu sử dụng thuốc bừa bãi sẽ nguy hiểm cho trẻ.

Các kháng sinh không nên dùng cho trẻ gồm:

Vì nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển xương, răng, không dùng kháng sinh tetracyclin cho trẻ

Hiện nay, do mức độ kháng thuốc của vi khuẩn nghiêm trọng và có nhiều loại thuốc kháng khuẩn khác nên trong lâm sàng đã hạn chế việc sử dụng tetracyclin trong điều trị. Tuy nhiên, thuốc vẫn còn được chỉ định trong một số nhiễm khuẩn khi xác định vi khuẩn còn nhạy cảm như sau:

- Nhiễm khuẩn do Chlamydia: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang do Chlamydia pneumoniae; bệnh mắt hột; viêm niệu đạo không đặc hiệu do Chlamydia trachomatis...

- Trứng cá đỏ, trứng cá bọc.

- Bệnh giang mai.

- Nhiễm khuẩn do Rickettsia; nhiễm khuẩn do Mycoplasma, đặc biệt các nhiễm khuẩn do Mycoplasma pneumoniae; nhiễm khuẩn do Brucella và Francisella tularensis.

- Phối hợp trong một số phác đồ điều trị H. pylori trong bệnh loét dạ dày tá tràng.

- Phối hợp với thuốc chống sốt rét như quinin để điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum kháng thuốc…

Đối với trẻ em, thuốc ảnh hưởng đến sự phát triển của răng gây biến đổi màu răng (vàng, xám, nâu) không hồi phục, làm hỏng men răng ở trẻ dưới 8 tuổi và bào thai nhi (nửa cuối thai kỳ). Thuốc cũng gây ra sự phát triển xương bất thường ở trẻ. Tetracyclines có thể gây tăng huyết áp trong cơ thể tự phát và phồng thóp ở trẻ sơ sinh.

Thuốc không dùng cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi.

Không để thuốc trong tầm với của trẻ.

Không dùng quinolon cho trẻ vì nguy cơ viêm gân, đứt gân

Kháng sinh nhóm quinolon là một trong những kháng sinh với phổ tác dụng rộng, được ứng dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Gồm các thuốc như ciprofloxacin, ofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin…

Kháng sinh nhóm quinolon thường được chỉ định trong các nhiễm khuẩn: Viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, bệnh lậu, nhuyễn hạ cam, viêm nhiễm vùng chậu hông, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do E. coli, S.typhi, viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, viêm xoang, nhiễm khuẩn xương khớp/mô…

Đây là kháng sinh vô cùng quan trọng với phổ tác dụng rộng, được ứng dụng khá phổ biến trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn, nhưng thuốc lại có khá nhiều tác dụng phụ như:

Viêm gân, đứt gân: Mặc dù là tác dụng không mong muốn hiếm gặp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Dấu hiệu viêm gân sau khi dùng thuốc là thấy đau hoặc sưng ở gân. Lúc này bệnh nhân cần ngừng thuốc và đi khám ngay. Tác dụng này có thể xảy ra sớm trong 48 giờ đầu tiên sau khi dùng thuốc. Nhưng cũng có thể xuất hiện rất muộn, thậm chí vài tháng sau khi ngừng điều trị. Đặc biệt tác dụng phụ này có thể xảy ra sau một liều duy nhất kháng sinh nhóm quinolon.

Do nguy cơ viêm gân, đứt gân Achile nên kháng sinh quinolon không dùng cho trẻ dưới 16 tuổi.

Rối loạn nhịp tim, kéo dài khoảng QT: Biểu hiện là nhịp tim không đều, nhanh hoặc chậm, cảm giác khó chịu. Khi thấy dấu hiệu này sau khi dùng thuốc, bệnh nhân cần đi khám bệnh ngay.

Bệnh thần kinh ngoại biên: Tác dụng phụ này có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc, với các triệu chứng rối loạn hệ vận động, rối loạn thần kinh cảm giác. Ngoài ra, còn các biểu hiện: Cảm giác đau dữ dội, ngứa hoặc tê ở tay hoặc chân. Cần đi khám ngay nếu xuất hiện một trong những triệu chứng nêu trên để bác sĩ có biện pháp xử trí kịp thời trước khi xảy ra những tổn thương không thể hồi phục.

Hơn nữa, thuốc còn khiến da tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, cần bảo vệ da trong suốt thời gian điều trị và một thời gian sau khi kết thúc.

Các tác dụng phụ nguy hiểm nhưng hiếm gặp như co giật, biểu hiện tâm thần kinh hiếm gặp, nổi mụn nước nặng nề trên da, nhược cơ, ảnh hưởng đến gan, rối loạn đường huyết, rối loạn thị lực…

Chính vì thế thuốc đặc biệt phải thận trọng khi dùng cho người cao tuổi, người bệnh thận, người ghép tạng, người điều trị bằng corticosteroid toàn thân...

Đối với trẻ em, kháng sinh quinolon gây tổn thương sụn, viêm gân và đứt gân Achile. Do đó không được dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi.

Không dùng kháng sinh phenicol vì gây ảnh hưởng quá trình tạo máu

Tiêu biểu như cloramphenicol và thiamphenicol có tác dụng ức chế vi khuẩn gram âm.

Là kháng sinh phổ kháng khuẩn rộng, trên rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Thuốc được chỉ định sử dụng trong nhiễm khuẩn nặng nguy kịch do vi khuẩn nhạy cảm do Rickettsia thường hay gặp ở Việt Nam. Thuốc cũng có tác dụng trong điều trị bệnh thương hàn do S. typhi nhạy cảm; áp xe não, viêm xương chũm, bệnh viêm màng não mủ

Thuốc có độc tính nghiêm trọng gây ức chế tủy xương, ảnh hưởng quá trình tạo máu dẫn đến thiếu máu không hồi phục. Thuốc cũng gây viêm thần kinh thị giác và nguy hiểm hơn là hội chứng xám gây tím tái, trụy mạch… Do vậy thuốc hiện nay chỉ sử dụng khi không có lựa chọn khác, sau khi bác sĩ đã cân nhắc giữa lợi và hại.

Với các độc tính trên, thuốc không được dùng cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ em dưới 3 tuổi và bệnh nhân thiếu máu, suy gan.

Lincosamid có nguy cơ ảnh hưởng đến gan và huyết học

Nhóm lincosamid như các thuốc lincomycin, clindamycin được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn nhạy cảm, gây ra các tình trạng: Áp xe gan, áp xe phổi, nhiễm khuẩn xương do Staphylococcus, nhiễm khuẩn ở âm đạo, viêm màng trong tử cung, viêm vùng chậu, viêm màng bụng thứ phát, nhiễm khuẩn huyết, mụn nhọt biến chứng và loét do nhiễm khuẩn kỵ khí…

Thuốc gây ra các tác dụng phụ như: Tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc, có thể dẫn đến viêm gan, giảm bạch cầu đa nhân trung tính... Thuốc phải thận trọng khi dùng cho người có bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt người có tiền sử viêm đại tràng. Người cao tuổi và phụ nữ có thể dễ bị tiêu chảy nặng hoặc viêm đại tràng có màng giả.

Đối với phụ nữ mang thai, thuốc có thể đi qua nhau thai và đạt khoảng 25% nồng độ huyết thanh mẹ ở dây rốn. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp trẻ sinh ra bị ảnh hưởng của thuốc, nhưng cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong trường hợp này.

Với phụ nữ đang cho con bú, lincomycin được tiết qua sữa mẹ và có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến trẻ bú mẹ. Vì vậy cần tránh cho con bú khi đang điều trị bằng lincomycin.

Ở trẻ em, do nguy cơ thuốc ảnh hưởng đến gan và huyết học, không dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ trên 2 tuổi nếu phải sử dụng thuốc này cần phải theo dõi chức năng gan và huyết học.

Aminoglycosid có nguy cơ gây điếc vĩnh viễn cho trẻ

Gồm các thuốc như streptomycin, neomycin, kanamycin, amikacin, gentamycin, tobramycin…

Kháng sinh nhóm aminosid (aminoglycosid) có nhiều tính chất tương đồng giữa các thuốc trong nhóm về hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn nặng trên các loại vi khuẩn gram dương và gram âm. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp:

Sốc nhiễm khuẩn chưa rõ nguyên nhân.

Điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm cho đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, bệnh nhân suy giảm miễn dịch kèm nhiễm khuẩn huyết.

Aminoglycosid được chỉ định trong viêm màng não nhưng không dùng cho trẻ sơ sinh vì nguy cơ gây điếc vĩnh viễn.

Nhiễm trùng tiết niệu.

Viêm màng não do Listeria monocytogenes.

Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn gram dương…

Tuy nhiên nhóm thuốc này có khoảng điều trị hẹp, hơn nữa khả năng gây độc tính trên thận và thính giác nên việc sử dụng kháng sinh aminosid cần tuân thủ những hạn chế nghiêm ngặt về chỉ định, liều lượng cũng như theo dõi.

Đối với trẻ em, thuốc gây độc thận (có hồi phục) và thính giác dẫn đến điếc vĩnh viễn, do đó không dùng cho trẻ sơ sinh.

Sulfamid có nguy cơ gây đái tháo đường cho trẻ

Gồm các thuốc sulfaguanidin, sulfadiazin, sulfasalazin, sulfamethoxazol. Kháng sinh nhóm này có tác dụng kìm khuẩn phổ rộng. Thuốc được chỉ định rộng rãi trong các bệnh: Nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng do vi khuẩn), nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn đường sinh dục, nhiễm khuẩn ruột, viêm màng não, đau mắt hột, nhiễm khuẩn ngoài da…

Thuốc có tác dụng phụ như gây buồn nôn/nôn, tiêu chảy; rối loạn hệ thống tạo máu gây thiếu máu, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu; dị ứng; nguy cơ gây sỏi thận... Ngoài ra, còn gây đái tháo đường ở trẻ.

Vì thế không được dùng nhóm này cho trẻ sơ sinh.

Nhìn chung, các loại kháng sinh phải hết sức thận trọng khi sử dụng ở trẻ em, phụ nữ mang thai/cho con bú, người cao tuổi. Chỉ dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ và khi có những dấu hiệu bất thường cần ngừng thuốc và báo cho bác sĩ biết ngay để có hướng xử trí kịp thời.

08/03/2024 20:46

Hà Nội phát hiện thêm ổ dịch tay chân miệng mới, cách xử trí phòng lây lan và biến chứng

Hà Nội phát hiện thêm ổ dịch tay chân miệng mới, cách xử trí phòng lây lan và biến chứng

BS Nguyễn Văn Bàng

Trên thực tế ghi nhận, đa số trẻ bị tay chân miệng độ nhẹ đều được cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà. Cha mẹ người chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng cần ghi nhớ các nguyên tắc dưới đây.

Viêm não mô cầu lây nhiễm như thế nào?

Viêm não mô cầu lây nhiễm như thế nào?

BS Nguyễn Văn Dũng

Bé gái 5 tuổi sống tại Tây Ninh vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận điều trị với chẩn đoán viêm não mô cầu. Vậy viêm não mô cầu do đâu, lây nhiễm qua đường nào?

Nhiều trường hợp mắc rubella, dấu hiệu nào nhận biết bệnh sớm?

Nhiều trường hợp mắc rubella, dấu hiệu nào nhận biết bệnh sớm?

BS CK1 Nguyễn Văn Bắc

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay nước ta đã ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc, trong đó có 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố.

Dấu hiệu trẻ mắc viêm đường hô hấp cần nhập viện

Dấu hiệu trẻ mắc viêm đường hô hấp cần nhập viện

BS Nguyễn Văn Dũng

Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ thường gặp và hay tái phát. Cha mẹ cần có những biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách khi thời tiết chuyển mùa để trẻ không mắc bệnh.

Cúm A: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh

Cúm A: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh

BS Đăng Thanh

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên với các dấu hiệu nhận biết như: ho, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể

Trẻ mắc cúm B, cách chăm sóc trẻ mắc cúm B tại nhà

Trẻ mắc cúm B, cách chăm sóc trẻ mắc cúm B tại nhà

BS Hương Giang

Cúm B là một loại cúm mùa thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ mắc cúm B phần lớn là nhẹ và tự hồi phục, chủ yếu điều trị và chăm sóc tại nhà.

Phân biệt ho gà và ho thường

Phân biệt ho gà và ho thường

BS. Nguyễn Văn Tâm

Trong thời gian vừa qua tại Hà Nội có nhiều trẻ bị ho gà, có bé chỉ 5 tuần tuổi. Điều này khiến nhiều mẹ có con nhỏ lo lắng.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm họng

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm họng

BS Nguyễn Văn Dũng

Viêm họng là một bệnh phổ biến ở chuyên khoa tai mũi họng. Do viêm họng hay xảy ra nên nhiều người sẽ chủ quan và thường tự điều trị bằng các phương pháp dân gian tại nhà hoặc tự mua thuốc không theo kê đơn của bác sĩ về uống…

Cách chữa thủy đậu nhanh khỏi

Cách chữa thủy đậu nhanh khỏi

BS Trần Anh Tuấn

Yên Bái đã ghi nhận trường hợp trẻ mắc thủy đậu tử vong. Vậy nếu trẻ mắc thủy đậu thì cần phải làm gì, chăm sóc ra sao để nhanh khỏi bệnh.

Phòng ngừa viêm đường hô hấp trên cho trẻ khi giao mùa

Phòng ngừa viêm đường hô hấp trên cho trẻ khi giao mùa

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy

Viêm đường hô hấp trên bao gồm nhiều bệnh lý như viêm mũi, viêm tai giữa.... Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên cha mẹ cần bình tĩnh xử lý các triệu chứng.