Đăng nhập sổ của bạn
Bác sĩ lưu ý khi bổ sung sắt cho bà bầu
Sắt có vai trò quan trọng đối với mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, thiếu sắt hay thừa sắt đều gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi…
Ngoại trừ nguyên nhân bệnh lý, phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất.
Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu về lượng sắt cần thiết tăng lên chủ yếu để cung cấp cho thai nhi và nhau thai phát triển. Sắt cũng giữ vai trò quan trọng trong quá trình tăng khối lượng hồng cầu ở mẹ.
Khi lượng sắt trong cơ thể thấp có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Điều này khiến em bé có nguy cơ sinh non và nhẹ cân.
Thiếu máu do thiếu sắt nếu không được bổ sung và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, chán ăn, khó ngủ, mệt mỏi, làm suy giảm sức đề kháng dẫn đến nhiễm trùng.
Thông thường trước khi mang thai, phụ nữ cần 18mg sắt/ngày. Nhu cầu này tăng lên gần gấp đôi ở phụ nữ mang thai, cần 30mg sắt/ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị bà bầu nên bổ sung sắt hàng ngày từ 30-60 mg. Lượng sắt này có thể có trong các loại thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất cho bà bầu hoặc một sản phẩm bổ sung sắt riêng biệt. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung sắt ở phụ nữ mang thai.
Thuốc bổ sung sắt cho bà bầu thường ở 2 dạng sắt vô cơ (sắt sulfat) và sắt hữu cơ (sắt fumarat và sắt gluconat), trong đó sắt hữu cơ dễ hấp thu và ít gây táo bón hơn so với sắt vô cơ.
Hiện nay, trên thị trường có các sản phẩm bổ sung sắt ở dạng sắt nước và viên sắt. Sắt nước có ưu điểm là dễ hấp thu, ít gây táo bón nhưng lại khó uống và dễ gây buồn nôn. Mặt khác, viên sắt dễ uống hơn, không gây buồn nôn nhưng hấp thu kém hơn sắt nước và có thể gây táo bón, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 3.
Khi bổ sung sắt, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt, phụ nữ mang thai nên sử dụng thường xuyên 30 mg sắt mỗi ngày bắt đầu từ khoảng tuần thứ 12 của thai kỳ, kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng có chứa chất tăng cường hấp thu sắt.
- Để tăng cường hấp thu, nên bổ sung sắt sau ăn 1-2 giờ, không uống sắt cùng sữa, trà và cà phê. Bạn có thể uống sắt kèm với các loại nước giàu vitamin C như nước cam, nước chanh… để cơ thể được hấp thụ sắt tốt nhất.
- Không dùng sắt cùng thời điểm với thuốc bổ sung canxi hay thực phẩm giàu canxi vì canxi làm cản trở khả năng hấp thụ sắt.
- Để phòng ngừa táo bón do tác dụng phụ của viên bổ sung sắt, bạn nên uống nhiều nước và ăn những thực phẩm giàu chất xơ.
Việc tự ý bổ sung sắt mà không tham khảo ý kiến bác sĩ có thể dẫn đến thừa sắt. Điều này cũng có thể gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi và tăng nguy cơ tăng huyết áp ở mẹ.
Ở phụ nữ mang thai không mắc thiếu máu do thiếu sắt, lượng sắt cơ thể hấp thu từ thực phẩm và chất bổ sung tối đa là 45mg /ngày. Trường hợp phụ nữ mang thai bị thiếu máu do thiếu sắt sẽ cần bổ sung liều lượng lớn, theo chỉ định của bác sĩ.
Dưới đây là một số tác hại mà việc bổ sung sắt không đúng cách có thể gây ra:
- Gây rối loạn tiêu hóa: Bổ sung sắt không đúng cách có thể gây rối loạn tiêu hóa như táo bón, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi và đau bụng. Điều này có thể khiến phụ nữ mang thai không thoải mái và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
- Ức chế hấp thu khoáng chất: Việc dùng quá nhiều sắt một lúc hoặc dùng cùng lúc với các loại thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng khác, có thể ức chế hấp thu khoáng (như canxi và kẽm). Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt của các khoáng chất quan trọng khác trong cơ thể.
- Tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn: Sắt cung cấp môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiêu hóa. Việc dùng quá nhiều sắt hoặc không đúng cách có thể làm tăng khả năng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
- Nguy cơ gây thiếu máu nặng: Mặc dù thiếu sắt là một vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhưng việc bổ sung quá mức sắt không cần thiết có thể dẫn đến sự tích tụ dư thừa sắt trong cơ thể. Dư thừa sắt cũng có thể gây ra một loại thiếu máu khác gọi là thiếu máu cơ nhiễm.
- Nguy cơ tăng huyết áp: Một số loại bổ sung sắt có thể gây tăng huyết áp ở một số phụ nữ, đặc biệt là những người đã có nguy cơ về tăng huyết áp trong quá trình mang thai.
Do đó, việc bổ sung sắt trong thời kỳ mang thai cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể đưa ra chỉ định cụ thể về lượng sắt cần bổ sung, cách thức dùng, và theo dõi tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
03/09/2023 16:30
Khi mang thai hoặc mới sinh con không phải là thời điểm tốt nhất để nuôi thú cưng như chó, mèo vì một số vật nuôi tiềm ẩn những rủi ro về an toàn và sức khỏe.
Rất nhiều phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai quan tâm đến việc có sử dụng được kem chống nắng hay không? Nếu có thì nên dùng loại nào?
Dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến ngoại hình, chức năng cơ quan và sự phát triển về thể chất và tinh thần cho trẻ.
Phụ nữ mang thai nên hết sức thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết để luôn được bảo vệ, giữ an toàn cho thai nhi.
Nếu vết rách âm đạo đứt sâu, chảy máu nhiều không xử trí kịp thời có nguy cơ khiến sản phụ bị mất máu cấp có thể đe dọa đến tính mạng.
Quá trình mang thai có thể đi kèm với các tình trạng bệnh lý như tiền sản giật, sản giật, bệnh võng mạc thai nghén, mù vỏ não, hắc võng mạc, bệnh lý tắc mạch…
Thiếu ngủ khi mang thai có liên quan đến một số biến chứng như tiền sản giật, tình trạng này có thể dẫn đến sinh non.
Khi người vợ khó mang thai,cặp đôi nên áp dụng các lựa chọn lối sống và dinh dưỡng lành mạnh giúp cải thiện khả năng sinh sản.
Bản thân vợ chồng chị H. đều mang gene lặn bệnh lý di truyền mà không biết nên con đầu sinh ra phải gắn với bệnh viện
Để thụ thai thành công thường xác định thời điểm quan hệ tình dục để tinh trùng có thể gặp được trứng.